Tài khoản

Các phương pháp ăn dặm phổ biến (P2): Ăn dặm kiểu Nhật

Chọn phương pháp ăn dặm luôn là một vấn đề đau đầu với các bậc cha mẹ. Mỗi phương pháp ăn dặm đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Bibabo sẽ giới thiệu với bố mẹ 3 phương pháp ăn dặm phổ biến nhất hiện nay là: Ăn dặm truyền thống (ADTT), Ăn dặm kiểu Nhật (ADKN) và Ăn dặm bé chỉ huy (Baby Led Weaning – BLW) để giúp bố mẹ có cái nhìn tổng quan và cơ bản nhất về các phương pháp này. 

Ăn dặm kiểu Nhật 

1. Ăn dặm kiểu Nhật là gì? 

Ăn dặm kiểu Nhật (ADKN) là phương pháp cho bé ăn dặm mà tất cả các bà mẹ tại Nhật Bản đều áp dụng. Các nguyên tắc cơ bản của ADKN như sau:

- Chia giai đoạn ăn dặm theo độ tuổi, để phát triển kỹ năng của bé 

- Tăng độ thô của thực phẩm theo từng giai đoạn, cụ thể: 

  • Giai đoạn 1 (5-6 tháng): Cháo nấu lỏng (tỉ lệ 1:10) và các món ăn được rây nhuyễn 
  • Giai đoạn 2 (7-8 tháng): cháo nấu đặc hơn (tỉ lệ 1:7) - các món ăn được nghiền nhỏ 
  • Giai đoạn 3 (9-11 tháng): cháo nấu đặc hơn (tỉ lệ 1:5 hoặc 1:3) - các món ăn được cắt nhỏ hoặc xé tơi. Cho bé tập bốc thức ăn. 
  • Giai đoạn 4 (12-18 tháng): cơm nát hoặc cơm mềm - các món ăn được cắt vừa phải hoặc nguyên miếng. Bé được tập sử dụng thìa

- Các món ăn được tách riêng, một bữa ăn có đầy đủ các nhóm thực phẩm gồm: tinh bột - rau củ quả - đạm. Lượng ăn ban đầu rất ít, được tăng dần theo độ tuổi và nhu cầu của bé 

2. Ưu - Nhược điểm của phương pháp ăn dặm kiểu Nhật

Ưu điểm 

  • Bé được làm quen với từng loại thức ăn riêng nên có cơ hội phân biệt mùi vị thức ăn.
  • Nếu bé bị dị ứng, có thể xác định được nguyên nhân. 
  • Các kỹ năng xử lý thức ăn của bé được phát triển đầy đủ và đúng thời điểm.
  • Khẩu phần và loại thức ăn thích hợp với sự phát triển của hệ tiêu hóa.
  • Các món ăn đa dạng nên bé không bị chán nhanh.
  • Sạch sẽ, dễ dọn dẹp ở giai đoạn đầu.
  • Gần với cách ăn dặm truyền thống và quan niệm truyền thống về ăn dặm của người Việt Nam.

- Nhược điểm

  • Mất thời gian. Mẹ sẽ cần nhiều thời gian nấu từng loại thức ăn riêng với một lượng nhỏ.
  • Chế biến cầu kỳ. 
  • Dễ mắc phải các lỗi tư tưởng ăn dặm tiêu cực như cho bé ăn quá nhiều so với nhu cầu của bé, không ngồi một chỗ khi cho bé ăn, ép bé ăn đặc biệt nếu bố mẹ không phải là người cho ăn chính (Xem thêm: Ăn dặm - Mẹ chọn tích cực hay tiêu cực?)
  • Ở các giai đoạn sau khi bé tập bốc thức ăn và tập thìa, có thể mẹ sẽ phải mất công dọn dẹp.
  • Nếu mẹ không phải là người cho bé ăn, thì sẽ bị phụ thuộc vào người chăm sóc chính của bé và không theo dõi được đúng các vấn đề xảy ra để có điều chỉnh hợp lý.
  • Cần sự kiên nhẫn và bình tĩnh.

3. Bạn nên chọn lựa phương pháp này để cho bé ăn dặm nếu

  • Bạn yêu thích phương pháp này và được quyền quyết định cách cho con ăn dặm 
  • Người thân của bạn ủng hộ hoặc có tư tưởng khá tiến bộ 
  • Bạn có nhiều thời gian chế biến thực ăn 
  • Bạn kiên nhẫn và bình tĩnh.  

Dù bạn quyết định cho bé ăn dặm theo phương pháp nào, thì bạn cũng cần phải ghi nhớ rằng mục đích của ăn dặm không phải là để tăng cân mà để bé làm quen với thức ăn chuẩn bị cho giai đoạn mà sữa không còn cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết cho nhu cầu của bé nữa, đồng thời ăn dặm cũng là giai đoạn luyện tập các kỹ năng và thói quen ăn uống lành mạnh, khoa học, hợp lý. 

Mời bố mẹ tìm hiểu thêm về hai phương pháp còn lại tại bài viết của Bibabo nhé!

Các phương pháp ăn dặm phổ biến (P1): Ăn dặm truyền thống

Các phương pháp ăn dặm phổ biến (P3): Ăn dặm bé tự chỉ huy (Baby Led Weaning - BLW)

06/2017.  Có 5 thích.   Đã có 4 phản hồi.
  Thích
  Facebook